Điện toán đám mây là việc sử dụng các tổ chức sử dụng sức mạnh kỹ thuật số được cung cấp thông qua internet để vận hành, nghiên cứu, và phục vụ khách hàng. Điện toán đám mây giúp các tổ chức loại bỏ được nhu cầu lưu trữ các ứng dụng số trên máy chủ của chính họ. Vậy điện toán đám mây có gì đặc sắc?
Với điện toán đám mây, các tổ chức về cơ bản sẽ mua một loạt các dịch vụ cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (gọi tắt là CSP). Máy chủ của CSP sẽ là nơi lưu trữ toàn bộ các ứng dụng của khách hàng. Các tổ chức có thể tăng cường sức mạnh điện toán của mình một cách nhanh chóng mà tiết kiệm hơn khi sử dụng đám mây thay vì tự mua sắm, cài đặt, và bảo trì máy chủ riêng.
Những ví dụ của điện toán đám mây
Điện toán đám mây đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng cuộc chạy đua công nghệ bùng lên từ sau đại dịch COVID-19 mới là lúc nó thể hiện được sức mạnh và sự tiện dụng. Một vài ví dụ về cách các doanh nghiệp và tổ chức tận dụng điện toán đám mây bao gồm:
– Số lượng đơn hàng của một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh tăng vọt theo cấp số nhân trong đại dịch, từ 50.000 lên 400.000 mỗi ngày. Hệ thống đặt hàng trực tuyến của công ty có thể đảm đương được con số khổng lồ là bởi nó đã được đưa lên đám mây.
– Một công ty công nghệ sinh học tận dụng điện toán đám mây để tiến hành giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của vắc-xin COVID-19 chỉ sau 42 ngày phát triển – một phần nhờ những đột phá trong sử dụng điện toán và lưu trữ dữ liệu đám mây nhằm đẩy nhanh quy trình đảm bảo an toàn và hiệu quả của thuốc.
– Các ngân hàng sử dụng đám mây trong hoạt động quản lý khách hàng. Họ tự động hoá các cuộc gọi giao dịch bằng các thuật toán nhận dạng giọng nói và các trợ lý AI. Trong phân tích lừa đảo và nợ, các giải pháp đám mây tăng cường khả năng dự báo của các hệ thống cảnh báo sớm truyền thống. Để giảm thiểu tình trạng mất khách, họ khuyến khích số khách hàng trung thành sử dụng dịch vụ thông qua các chương trình quản lý hoàn toàn trên đám mây.
– Các nhà sản xuất xe hơi cũng ứng dụng điện toán đám mây. Một công ty sử dụng một nền tảng đám mây phổ thông trong 124 nhà máy, 500 nhà kho, và 1.500 nhà cung ứng, để tập hợp dữ liệu thời gian thực từ máy móc và hệ thống, đồng thời theo dõi quy trình vận chuyển, và thu thập thông tin bán hàng. Sử dụng đám mây có thể giúp tiết kiệm 30% chi phí sản xuất vào năm 2025, và tạo nên một cuộc cách mạng sáng tạo.
Đó là chưa đề cập đến những trải nghiệm đám mây mà tất cả chúng ta đều đã biết: các ứng dụng trên smartphone, stream nhạc và phim, tham gia hội thảo video… Chúng đều có thể diễn ra trên đám mây!
Cơ chế hoạt động của điện toán đám mây
Các mô hình dịch vụ điện toán đám mây đều dựa trên khái niệm chia sẻ tài nguyên điện toán, phần mềm, và thông tin qua mạng internet. Các công ty hay cá nhân trả tiền để truy xuất một kho tài nguyên ảo dùng chung, bao gồm các dịch vụ điện toán, lưu trữ, và mạng – tất cả nằm trên các máy chủ ở xa sở hữu và quản lý bởi các CSP.
Một trong những ưu điểm của điện toán đám mây là bạn chỉ trả tiền cho những gì muốn dùng. Điều này cho phép các tổ chức mở rộng quy mô nhanh hơn và hiệu quả hơn mà không phải lo lắng vấn đề mua và bảo trì các máy chủ và trung tâm dữ liệu vật lý của riêng họ.
Nói đơn giản thì, điện toán đám mây sử dụng một mạng lưới (phổ biến nhất là internet) để kết nối người dùng với một nền tảng đám mây, nơi họ sẽ yêu cầu và được truy xuất các dịch vụ điện toán đã thuê. Một máy chủ trung tâm đảm đương tất cả hoạt động giao tiếp giữa các thiết bị khách và máy chủ, nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi dữ liệu được diễn ra liên tục.
Khi lựa chọn một kiến trúc điện toán đám mây, không có một giải pháp toàn diện nào đáp ứng được mọi nhu cầu cả. Một kiến trúc phù hợp với một công ty có thể không hoạt động hiệu quả với bạn và những yêu cầu mà mô hình kinh doanh của bạn đưa ra. Trên thực tế, tính linh hoạt chính là một trong những thế mạnh của điện toán đám mây, cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của thị trường.
Có 3 kiểu mô hình điện toán đám mây khác nhau: đám mây công khai, đám mây riêng tư, và đám mây lai.
Các loại mô hình điện toán đám mây
Đám mây công khai
Đám mây công khai được vận hành bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên thứ ba, mang lại cho các công ty tài nguyên điện toán, lưu trữ, và hệ thống mạng thông qua internet, cho phép họ truy xuất các tài nguyên được chia sẻ theo nhu cầu dựa trên những tiêu chí và mục tiêu kinh doanh của riêng họ.
Đám mây riêng tư
Đám mây riêng tư được xây dựng, quản lý, và sở hữu bởi một tổ chức đơn lẻ, và được lưu trữ riêng trên các trung tâm dữ liệu của riêng tổ chức đó. Đám mây riêng tư mang lại cơ chế kiểm soát, bảo mật, và quản lý dữ liệu mạnh mẽ hơn, đồng thời vẫn cho phép người dùng tận hưởng những lợi ích từ việc chia sẻ tài nguyên điện toán, lưu trữ và mạng.
Đám mây lai
Đám mây lai kết hợp mô hình đám mây công khai và đám mây riêng tư, cho phép các công ty vừa tận dụng những dịch vụ đám mây công khai mà vẫn duy trì được tính bảo mật và đáp ứng các nhu cầu đặc biệt thường thấy trên các kiến trúc đám mây riêng tư.
Các loại dịch vụ điện toán đám mây
Có 3 loại mô hình dịch vụ điện toán đám mây chính mà bạn có thể lựa chọn dựa trên khả năng kiểm soát, tính linh hoạt, và sức mạnh quản lý.
Infrastructure as a service (IaaS)
IaaS cho phép truy xuất đến các dịch vụ hạ tầng IT, bao gồm điện toán, lưu trữ, mạng, và ảo hoá. Nó mang lại mức độ kiểm soát cao nhất đối với tài nguyên IT của bạn, và là loại dịch vụ điện toán đám mây gần giống nhất với mô hình tài nguyên IT có sẵn truyền thống.
Platform as a service (PaaS)
PaaS cung cấp tất cả các tài nguyên phần cứng lẫn phần mềm cần thiết để triển khai các ứng dụng đám mây. Với PaaS, các công ty có thể tập trung hoàn toàn vào việc phát triển ứng dụng mà không cần quan tâm đến quản lý và bảo trì hạ tầng bên dưới.
Software as a service (SaaS)
SaaS cung cấp một giải pháp phần mềm hoàn chỉnh, từ hạ tầng bên dưới cho đến quy trình bảo trì và cập nhật chính bản thân phần mềm ứng dụng. Một giải pháp SaaS thường là một ứng dụng người dùng cuối, trong đó cả dịch vụ và hạ tầng đều được quản lý và bảo trì bởi nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Các trường hợp sử dụng điện toán đám mây
Điện toán đám mây mang lại rất nhiều ứng dụng đa dạng cho các tổ chức và công ty. Dưới đây là một số trường hợp sử dụng phổ biến nhất:
Mở rộng hạ tầng
Nhiều công ty, bao gồm các công ty bán lẻ, cần đến sức mạnh điện toán trên nhiều khía cạnh khác nhau. Điện toán đám mây có thể dễ dàng đáp ứng các nhu cầu đa dạng đó.
Lưu trữ dữ liệu
Điện toán đám mây giúp các trung tâm dữ liệu lưu trữ dữ liệu với khối lượng cực lớn, giúp truy xuất dễ dàng hơn, phân tích nhanh hơn, và sao lưu hiệu quả hơn.
Phân tích dữ liệu lớn
Điện toán đám mây mang đến nguồn tài nguyên gần như vô tận để xử lý những khối lượng dữ liệu cực lớn, nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, cũng như giảm thời gian phân tích.
Khôi phục sau sự cố
Thay vì xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu để đảm bảo lưu thông dữ liệu trong thời điểm sự cố, các doanh nghiệp có thể sử dụng điện toán đám mây để sao lưu tài sản số một cách an toàn.
Phát triển ứng dụng
Điện toán đám mây mang lại cho các nhà phát triển khả năng truy xuất nhanh chóng đến các công cụ và nền tảng để xây dựng và thử nghiệm ứng dụng, đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường.